Tag Archives: Tô Dự

Một số quyển ngôn tình hay P2

Standard

2015/06/img_7959.jpg

Hoa Tư Dẫn – Đường Thất Công Tử

Cốt truyện xoay quanh nội dung chính là nữ chính Quân Phất đi dệt mộng (gảy đàn dệt mộng) cho những người muốn chết đi trong một giấc mộng đẹp, khi họ không chấp nhận được hiện thực. Người được dệt mộng sẽ đổi tính mạng cho Quân Phất nhằm kéo dài cuộc sống của nàng.
Qua việc dệt mộng này, tác giả lần lượt kể các câu chuyện bi thương về những người gặp bi kịch trong cuộc sống, khiến cho họ buộc phải lựa chọn thà chết trong hạnh phúc còn hơn kéo dài cuộc sống đầy khổ đau. Triết lý này cũng là điều còn rất nhiều tranh cãi trong thời hiện đại, tranh cãi giữa chủ nghĩa duy vật và duy tâm: Xét cho cùng thì nên kéo dài sinh mệnh một con người trong đau đớn thể xác/tinh thần hơn hay kết thúc “kiếp nạn” của họ bằng những hy vọng hay chỉ là mộng tưởng về một cuộc sống hạnh phúc?!!!

Các chuyện tình bên cạnh chuyện tình của 2 nhân vật chính: Tống Ngưng và Thẩm Ngạn, Dung Viên và Oanh Ca, Khanh Tửu Tửu và Công Nghi Phỉ, Mộ Dung An và Tô Hoành.

Quân Phất/Diệp Trăn cũng là một trong các nữ chính của lòng mình: tự tin, mạnh mẽ, tự chủ, biết mình cần gì. Mạch chuyện theo giọng kể của Quân Phất.
Mộ Ngôn/Tô Dự là soái ca trong lòng rất nhiều người đọc: giỏi giang, vững chãi, yêu sâu sắc, chung tình, biết bảo vệ người mình yêu.

Mạch truyện cứ từ từ đan xen giữa mộng/thực, giữa hai nhân vật chính và các nhân vật trong câu chuyện dệt mộng, giọng văn nhẹ nhàng mà tưng tửng, đơn giản mà đượm triết lý, tình yêu của hai nhân vật chính len lỏi vào sâu trong tâm hồn người đọc, lấy đi khá nhiều nước mắt ở cuối truyện.

Công Chúa Cầu Thân – Tiên Chanh
Nữ chính Phùng Trần Sở Dương/Phúc Vinh theo mô tuýp mạnh mẽ, thông minh, tưng tửng. Như lời dẫn chuyện, do nữ chính về cổ đại với mục đích dạo chơi nên suy nghĩ suốt mạch chuyện của nữ chính đối với vấn đề tình cảm không hề nghiêm túc. Mặc dù về lý trí là thế, nhưng nữ chính đã bị nam chính chinh phục lúc nào không hay, tình yêu của nữ chính thành thứ tình yêu khắc cốt ghi tâm mặc dù trong đầu luôn cố gắng chỉnh đốn bản thân không chìm đắm vào thời cổ đại này, để sớm quay về nhà với cha mẹ.
Nam chính Thừa Đức/Hàn Diệc Thành là hoàng tử thứ ba của Ngõa Lặc, bị xoay vần trong thế thời, chính trị, tranh quyền đoạt vị nhằm có thể bảo vệ cho bản thân và cho người chàng yêu. Chàng những tưởng những tính toán của chàng sẽ sớm thành hiện thực, nhưng điểm yếu duy nhất khiến chàng mất nàng chính là liên hôn với con gái của vị tướng trong triều nhằm thu hết binh quyền vào tay. Thực sự đọc đến đoạn này mình đã rất thất vọng. Nhưng tác giả đã lấy nc mắt người đọc bởi cái chết của nam chính như một sự trả giá: mưu toan nhiều rồi thì cuối cùng bị chính mẹ ruột của mình xoay vần như một con rối. Chàng thù hận cha đẻ vì mẫu thân nói đó không phải cha ruột mà là kẻ giết cha ruột chàng. Khi biết được sự thật, chàng hận mẫu thân đến thổ huyết để kẻ thù nhân lúc đó mà hạ độc.
Mới đầu đọc truyện mình đã đọc theo tâm thế đọc một câu chuyện nhảm nhí (do phong cách của nữ chính như vậy). Nhưng càng đọc thì càng thấy bị chinh phục: nữ chính nhảm nhưng lại rất thật lòng, thật tâm, thẳng thắn với tất cả và biết đau xót cho mệnh người, mạng người…
Nam thứ của truyện Nam Cung Việt cũng là nhân vật rất có giá trị và thu hút. Có những lúc mình còn hơi nghiêng ngả về nhân vật này bởi sự trầm ổn, giỏi giang, si tình của chàng.
Đoạn Sở Dương bị Tây La Minh bắt là một trong những trường đoạn mô tả hay về nữ chính, cho thấy sự thông minh, nhanh nhạy và lòng trắc ẩn của nàng.

Bổn Vương Ở Đây – Cửu Lộ Phi Hương
Rất nhiều cảm xúc sau khi đọc truyện. Quả thực lâu rồi mới lại đọc một truyện đan xen giữa hạnh phúc bi thương vui buồn suốt mạch truyện, cái bi thương lại không hề bi lụy mà khiến người đọc có thể chấp nhận được như thế.
Nói về nhân vật, mình yêu cả nữ chính, nam chính đến các tuyến nhân vật phụ.
Thẩm Ly: Một trong các nữ chính mình yêu vô cùng (có đôi chút hơn Bạch Thiển, Quân Phất). Nếu như ở một số truyện khác, người đọc có thể thấy nhàm chán về hình ảnh nữ chính được vài ba người yêu một lúc mà tính cách chẳng có gì nổi bật, hoặc chỉ đơn giản là ngốc nghếch, thì nữ chính của “Bổn Vương ở đây” hoàn toàn thuyết phục người đọc. Nàng không được khắc họa là hình ảnh mỹ nữ diễm lệ, yểu điệu thục nữ ngược lại là một quân vương anh dũng, quyết đoán, thẳng thắn, nóng nảy, giỏi chiến trận, hết lòng vì nước vì dân, dù nàng yêu nhưng vẫn luôn đặt trách nhiệm lên hàng đầu, thế nhưng người đọc vẫn thấy được tình yêu cháy bỏng của nàng, thấy được đam mê của nàng cho Hành Chỉ nhiều nhường nào. Mình càng thích Thẩm Ly khi nàng dành chiến thắng cả khi đã có Hành Chỉ ở bên, cứ tưởng tác giả sẽ cho Hành Chỉ luôn luôn can thiệp vào các cuộc chiến của Thẩm Ly, nhưng không, tác giả đã rất có chính kiến khi xây dựng hình ảnh Thẩm Ly từ đầu đến cuối tính cách, cốt cách, tài năng không suy chuyển.
Hành Chỉ: Nam chính khiến người đọc có những lúc nghe nhói tim rung động như các thiếu nữ rung động khi mới yêu. Một người tài giỏi, luôn giấu kín tình yêu trong lòng nhưng không vượt qua được những hờn ghen rất dễ thương khi yêu. Chàng không có những hành động điên rồ lấy lòng người mình yêu, không vứt bỏ tất cả vì người mình yêu mà luôn phải lý trí để nghĩ cho bách tính, nhưng không vì thế mà người đọc không nhìn được tình yêu chàng dành cho nàng. Phải nói là Cửu Lộ đã rất khéo léo đề lồng ghép những hình ảnh, hành động của Hành Chỉ để lột tả tình yêu của chàng một cách hết sức tự nhiên. Cuối cùng tất cả đè nén, kiềm chế của chàng đã không vượt qua được khi biết tin nàng chết. Chàng đã đóng băng biển để kiên nhẫn đi từng bước tìm nàng…
Mặc Phương: Một nhân vật phụ hiếm hoi đã lấy được nước mắt của mình. Chưa bao giờ ghét Mặc Phương từ lúc xuất hiện trong truyện đến lúc ra đi. Tình yêu của chàng dành cho Thẩm Ly sâu sắc có lẽ không kém Hành Chỉ, đến mức liên tiếp cứu nàng không bị giết hại mà phá hỏng kế hoạch ấp ủ mấy trăm năm. Mặc Phương yêu nhưng không bi lụy, không hận Thẩm Ly dù chỉ một chút khi biết nàng không đáp lại, đồng thời cũng không làm hại đến người nàng yêu… Cuối cùng chàng đã chết để bảo vệ người mình yêu. Đến chết vẫn yêu và kính trọng, một câu Vương Thượng hai câu Vương Thượng dù thực tế là ở hai phe đối địch. Nói thì đơn giản nhưng cách khắc họa của tác giả đã khiến hình ảnh chàng đi vào lòng người đọc.
U Lan: Dù chỉ xuất hiện đôi lần nhưng nàng được mô tả cũng khá chân thực về tính cách. Lúc đầu tương đối ích kỷ, nhưng khi được Thẩm Ly cứu cũng đã có ngộ ra vài điều. Đặc biệt khi nhìn thấy Hành Chỉ, người nàng thầm yêu và ngưỡng mộ không giữ được uy nghi thần quân khi Thẩm Ly chết thì nàng đã biết chỉ có cách thành toàn cho chàng mới là yêu chàng, giúp chàng. Cuối cùng nàng đã cứu Thẩm Ly khỏi thiên đế và xin thiên đế cho Thẩm Ly được giữ xác Hành Chỉ.
Phất Dung Quân: Dù hơi phiền và bị Thẩm Ly ghét nhưng có nét tính cách trẻ con, dễ thương, kiểu … không nỡ ghét 🙂