Tag Archives: Bạch Thiển

Một số quyển ngôn tình hay P1

Standard

2015/06/img_7958.jpg
Bộ bộ kinh tâm – Đồng Hoa:

Đây vẫn là một trong những tác phẩm để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong số ngôn tình mình đã đọc. Tình yêu trong truyện được mô tả khá chân thật, từ lúc Nhược Hy yêu Bát ca, đến lúc nhận lời với Tứ ca (về lý trí), và đến lúc con tim hoàn toàn bị Tứ ca chinh phục, người đọc thấy hoàn toàn thuyết phục. Rõ ràng lúc đầu đang nghiêng về Bát ca, không muốn Nhược Hy yêu Tứ ca. Khi cô lựa chọn Tứ ca, bản thân cô khiên cưỡng, người đọc cũng khiên cưỡng. Và khi trái tim Nhược Hy bắt đầu rung động vì Tứ ca, người đọc dường như cũng cảm nhận giống hệt như cô, đúng như tên truyện “Bộ bộ kinh tâm”.

Ngoài câu chuyện tình yêu, tình bạn cũng được mô tả rất hay, các tuyến nhân vật chặt chẽ, có sức sống và chỗ đứng riêng: từ Thập Tam aka đến Thập aka, Thập Tứ aka. Thứ chính Bát aka cũng để lại rất nhiều ấn tượng đẹp trong lòng người đọc.

Điểm duy nhất chưa hợp lý, cường điệu hóa quá của truyện chính là hiểu biết của Nhược Hy về lịch sử quá sâu (hơn cả chuyên gia lịch sử :D), tài năng hơi nhiều quá với một cô kế toán viên (vẽ đẹp, thiết kế đẹp, pha trà giỏi, nấu ăn giỏi..). Kể cho Nhược Hy làm về nghệ thuật hoặc vẽ vời gì đó thì hợp lý hơn.

Tam sinh tam thế, thập lý đào hoa – Đường Thất Công Tử:

Một tác phẩm với số lượng nhân vật khá lớn, kết cấu truyện chặt chẽ, trải qua thời gian rất dài, số kiếp nhiều mà không bị lẫn lộn. Sau khi đọc xong, mình có đọc review một số blogger, so sánh giữa tình yêu của Dạ Hoa và Mặc Uyển, cho rằng người Bạch Thiển thực yêu chính là Mặc Uyển, mình không đồng tình. Chưa phân tích sâu xa, chỉ thấy kết cấu truyện ngay phần đầu đã viết về sự éo le, chia ly của cặp đôi Bạch Thiển Dạ Hoa đã thấy ý đồ của tác giả là tình yêu của hai nhân vật này. Nếu như Bạch Thiển lúc đầu có những e ngại tiến đến với Dạ Hoa thì đó chính là vấn đề tuổi tác, khiến cho nàng tự ngăn chặn tình cảm của mình lại, tự cho rằng “không thể”, tuy nhiên lý trí của nàng đã không ngăn cản được con tim :D. Tình cảm của Bạch Thiển với Mặc Uyên theo mình chỉ là sự ngưỡng mộ, tôn trọng với người thầy, là sự tin yêu cao hơn cả đối với cha mẹ, vì Mặc Uyển là người đã nuôi dưỡng Bạch Thiển từ tấm bé, dạy dỗ và bảo vệ nàng. Khi đặt tình yêu đối với Ly Kính trước tình cảm với Mặc Uyển, nàng thấy tình yêu với Ly Kính chỉ là nhỏ bé, nó không phải là sinh mạng, là cuộc sống của nàng. Chính chi tiết này đã khiến nhiều bạn nhầm tưởng Bạch Thiển yêu Mặc Uyển.

Điểm có giá trị của tác phẩm chính là triết lý tình yêu được lồng ghép rất khéo léo vào các mối quan hệ yêu đương: Khi có trong tay không biết quý trọng, mất đi rồi mới biết cái gì là quý giá (đặc biệt là trường đoạn viết về tình yêu với Ly Kính).

Điểm trừ của truyện là tình cảm mẹ con của Bạch Thiển được viết hơi hời hợt, khiến cảm tình của người đọc với Bạch Thiển giảm đi một chút.

Hương mật tựa khói sương – Điện Tuyến

Tên truyện đã có nét buồn man mác khiến đến lần thứ ba mở truyện ra mình mới đọc. Trước giờ mình không thích đọc những truyện phóng đại sự ngốc nghếch của nhân vật nữ (điển hình kiểu Sam Sam). Nhưng sự ngây ngô, ngốc nghếch của Cẩm Mịch trong chuyện tình cảm hoàn toàn có thể hiểu được do nàng đã uống viên Vẫn Đan (tuyệt tình), đồng thời bị giam lỏng từ nhỏ, không hề được tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Khi ra khỏi cái “đáy giếng” nhỏ ấy, nàng lại được dạy về “song tu” là cách để tăng phần nào linh lực nên cũng ngây ngô đòi song tu với hết người này đến người khác ^_^. Mặc dù uống vẫn đan, nhưng trái tim Cẩm Mịch đã từ từ bị chinh phục bởi Húc Phượng, bị chinh phục mà nàng cũng không hề biết do tác dụng của viên Vẫn Đan. Và trái tim chỉ biết đau đớn khi chính tay nàng cầm dao giết chàng (ngỡ rằng trả thù cho cha), sự đớn đau vô hình ấy đã khiến nàng thổ ra viên vẫn đan và từ đó cuộc đời nàng đi vào bi kịch.

Mình thích mạch chuyện từ đầu đến trước thời điểm Cẩm Mịch giết Húc Phượng. Giọng văn hài hước, tưng tửng (nhất là đoạn Cẩm Mịch định đoạt … “nội đan tinh nguyên” của Húc Phượng =)) ). Từ sau đoạn này sẽ phải chấp nhận ngược một chút, đến cuối chuyện sẽ có HE :). Tuyến nhân vật phụ trong chuyện cũng khá hay từ Phác Xích Quân, Lão Hồ đến Hồ ly Tiên (Nguyệt Hạ Tiên nhân).

Điểm trừ của chuyện là khắc họa Thiên đế và Thiên hậu hình tượng quá xấu xa, nhất là Thiên hậu, theo lời Phác Xích Quân: Cẩm Mịch không nên làm Thiên hậu do không đủ gian ác :D.